VỊNH XUÂN QUYỀN LƯỢC SỬ

THÁNG 10/2004 Vịnh Xuân Quyền cách ngôn:

“Càn-Khôn hựu hựu Càn-Khôn
Sinh sinh, hóa hóa cái hồn phù du
Lưỡng nghi bát quái mịt mù
Ngũ hành tụ kết thiên thu thọ trường”

Giữa quá khứ và hiện tại có sự liên hệ thực tế, trực tiếp và không ngừng: võ thuật. Võ thuật phương Đông nói riêng không chỉ đơn thuần là những bài võ rèn luyện sức khỏe, kỹ thuật chiến đấu mà còn là sự tổng hòa giữa thể chất và tiềm năng, là sản phẩm hòa đồng giữa tinh thần và thể xác, giữa con người và vũ trụ để tạo nên những năng lượng phi thường, siêu phàm.
Hoạt động mang tính chất võ thuật có từ lâu đời,bắt nguồn từ lao động, phục vụ sản xuất và chiến đấu, góp phần không nhỏ vào việc bảo thân, kiện thể, nâng cao đạo lý, được mọi thời đại tôn trọng và phát huy. Các triều đại phong kiến xa xưa đều được xây dựng bởi chiến công hiển hách của võ công. Trong triều đìnhVõ ban là một bộ phận không thể thiếu cạnh Văn ban. Song song, các lễ hội truyền thống tại các làng, xã còn rất nhiều những trò chơi mang đậm tính thượng võ: một sức sống võ phát triển mạnh mẽ trong dân gian.
Giao lưu kinh tế và văn hóa vốn tồn tại trong bản chất của sự phát triển lịch sử thế giới và mỗi quốc gia. KHông ngoài điều đó, võ thuật phát triển cả về chiều sâu và chiều rộng, vừa phổ biến trong nhân dân vừa lưu hành có bài bản, hệ phái. Võ Việt nam được kế thừa truyền thống võ công của dân tộc quật cường 4.000 năm lịch sử, được bổ sung giữa hai nền võ học lớn là Trung Quốc và Ấn Độ, tiếp thu những tinh hoa giá trị võ học để tự hoàn thiện cho phù hợp với thể chất con người và hoàn cảnh xã hội của dân tộc mình. Đất nước Việt nam nằm ở góc Đông Nam của Đại lục Châu Á, ngày ngày đón gió từ biển đông thổi vào, nhận phù sa của những dòng sông từ lục địa đổ xuống, là chốn qua lại của nhiều khách thập phương, hiệp sỹ giang hồ mang trong mình bản lãnh võ công trác tuyệt. Vịnh xuân được du nhập vào Việt nam thế đó. Một môn võ ra đời vào thế kỷ 18 tại Trung Quốc thời kỳ biến cố lịch sử” Phản Thanh phục Minh”, mang đầy tính bí ẩn kèm theo nhiều huyền thoại còn kéo dài đến nhiều thế kỷ sau. Vịnh Xuân xứng đáng là một di sản võ học cực kỳ quý báu của nền võ học thế giới, cần được khai thác để xây dựng tinh thần thượng võ cho thế hệ trẻ chúng ta và mãi không hổ danh là một lưu phái lớn của quyền thuật Vịnh Xuân do một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử võ học đương đại Trung quốc cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 truyền lại: Tôn sư Nguyễn Tế Công( Tài Cống hoặc Cống Xếnh Xáng).


LỊCH SỬ HÌNH THÀNH
Những năm đầu thế kỷ 18, đất nước Trung Hoa rộng lớn nằm dưới sự thống trị của Triều đại Mãn Thanh. Nối tiếp nhau nhiều phong trào “ Phản thanh, Phục Minh” nổ ra, quy tụ anh hùng hào kiệt của những đại võ phái nổi danh mà trung tâm là Thiếu Lâm Tự, được coi là biểu tượng tinh thần bất khuất của nhân dân Trung Quốc thời đó. Triều đình Mãn Thanh đã tiêu diệt chùa Thiếu Lâm bằng lực lượng quân đội hùng mạnh kết hợp với một số phản đồ của Thiếu Lâm Tự dùng hỏa công. Sự kiện hỏa thiêu Thiếu Lâm Tự đã chính thức đặt dấu chấm hết thời kỳ hoàng kim của Thiếu Lâm Tự. Kể từ khi Bồ Đề Đạ Ma sang tu luyện ở chùa, Thiếu Lâm TỰ trở thành ngôi sao bắc đẩu trên nền trời võ học Trung Hoa. Đến thời gian này, võ thuật Thiếu Lâm Trung Quốc qua nhiều lần “ tam sao thất bản” đã không đáp ứng được những đổi thay quá lớn của thời đại cả về hiệu quả chiến đấu lẫn thời gian đào tạo, nhất là khi các ứng dụng khoa học kỹ thuật trong ngành quân sự các nước phương Tây được du nhập vào Trung Quốc như tàu chiến, súng ống .. ngày càng nhiều. Hai trong số năm cao đồ của Thiếu Lâm trốn thoát là Ngũ Mai Lão Ni (Hoàng Hoa Tiểu Mai) và Chí  Thiện Thiền Sư ngày đêm dồn lực, tĩnh tâm tìm ra một phương pháp luyện tập mới để có thể khắc chế được kẻ thù vốn không lạ gì với lối đánh, cách luyện công của Thiếu Lâm Tự. Chính trong bối cảnh lịch sử đầy khắc nghiệt này, những bậc đại sư của Thiếu Lâm với võ công cao thâm kết hợp với những nét tinh hoa của vô vàn lưu phái võ thuật lớn, nhỏ tại Trung Quốc nhằm tạo ra một hệ thống võ công mới mang tính lý luận cao và quan trọng nhất có tính hiệu quả, kỹ thuật đơn giản, thời gian đaò tạo cao thủ được rút ngắn nhiều lần. Kỹ thuật đó được phỏng theo hình tượng chiến đấu của hai con vật: Hạc và Xà. Toàn bộ hệ thống chiến đấu mới này được truyền cho Nghiêm Vịnh Xuân và từ đây chính thức giới võ lâm Trung Hoa lại có thêm một lưu phái mới: Vịnh Xuân Quyền- thuộc dòng Nam phái, phía nam sông Hoàng Hà. Các thế hệ truyền nhân đời sau kế thừa và phát huy truyền dạy Vịnh Xuân Quyền cả bí mật, cả công khai ra khắp nước Trung Hoa bao la, thực sự mang đến làng võ một sinh khí mới lạ và nhanh chóng đã vượt qua khỏi biên giới, được phát tán ra nhiều nước trên thế giới mà tiêu biểu những truyền nhân thời gần đây nức tiengs là Diệp Vấn (truyền dạy tại Hồng Kông), Tài Công (truyền dạy tại Việt Nam).

Sơ lược gia phả của Vịnh Xuân
1. Nghiêm Vịnh Xuân
Đại Hoa Diện Cẩm
Phùng Tiểu Thành​Phó Bá Quyền….
Nguyễn Tế Công   ​Nguyên Minh Đại Sư….
Trần Thúc Tiển, Trần Văn Phùng, Ngô Sỹ Quý, Vũ Bá Quý, Hồ Hải Long…
(Một số tài liệu có nhắc đến Phó Bá Quyền dạy Tế Công, Nguyên Minh đại sư là huynh đệ đồng môn với Tài Cống tên thật Huỳnh Tường Phong- một nhà Tư bản có tiếng, sinh sống tại Nam Việt Nam. Tài liệu về hai nhân vật này chúng tôi cần bổ sung làm sáng tỏ thêm. Rất mong nhận được đóng góp ý kiến gần xa).
2. Lương Bắc Trù
Lương Lan Quế
Hoàng Hoa Bảo (kế hợp Lương Nhị Thể- Để tử của Chí Thiện Thiền Sư)
Lương Tán
Trần Hoa Thuận
Diệp Vấn
Lương Đĩnh
Các chi phái lưu hành.
Ngày nay, theo quan điểm thế giới xích lại gần nhau, Vịnh Xuân Quyền được phát triển rộng rãi ra khắp các Châu Lục. Khởi đầu,tạo nên một cơn sốt về Vịnh Xuân Quyền qua hình tượng ngôi sao võ thuật kiêm diễn viên điện ảnh nổi tiếng trên thế giới: Lý Tiểu Long. Vào những năm 70 của thế kỷ XX này, những người yêu thích võ thuật Vịnh Xuân dần dần tìm về cội nguồn và bước đầu đi đến thống nhất ba địa danh chính là những nơi Vịnh Xuân Quyền phát triển rực rỡ nhất: Phật Sơn- Trung Quốc, Hồng Kông và Việt Nam.
1. Vịnh Xuân Quyền tại Phật Sơn

Tại Trung Quốc, Vịnh Xuân Quyền được coi như môn võ Cung Đình mà Phật Sơn là cái nôi, trung tâm của môn võ nổi tiếng này. Về hệ thống bài bản ở đây không khác biệt nhiều so với hai dòng ở Hồng Kông và Việt Nam nhưng thực các chiêu thức có nhiều điểm không giống với Vịnh Xuân được phát triển ở hải ngoại. Điều này có lẽ do chính sách của chính phủ Trung Quốc không khuyến khích các môn võ phát triển trong một thời gian dài. Mãi đến năm 1979 Nhà nước mới chính thức cho phép và nhanh chóng Vịnh Xuân trở thành một trong những Quốc Bảo. Đặc điểm của Vịnh Xuân Quyền tại Trung Quốc chú trọng quyền cước mạnh, nhanh, dựa trên nguyên tắc hiệu năng của động tác. Trụ chân vững chãi là nguyên tắc hàng đầu, các động tác xoay người làm tăng lực hông và vai để tạo lợi thế trong cả công và thủ. Dụng cụ luyện tập tại Trung Quốc cũng có một số điểm khác biệt như mộc nhân bằng thép, tay có lò xo và thân xoay quanh đế. Tấm nệm treo tường có 10 cọc lồi ra chia làm ba hàng, sáu điểm để có thể đánh các thế khác nhau…Ngoài Phật Sơn, Vịnh xuân Quyền cũng được lưu truyền tại Quảng Châu, Quảng Đông..

Những điểm khác biệt trong chương trình tại Trung Quốc gồm:

- Quyền thuật: Bài Quyền Tiêu Chỉ được dạy trước bài Tầm Kiều.

- Mộc Nhân; Gồm hơn 160 động tác chi làm hai phần, trong đó có năm thế đá và một thế đánh gối.

- Ly thủ (đơn và song): Sử dụng những thế căn bản như Bàng thủ, tán thủ, phục thủ để công và thủ theo nguyên tắc trong công có thủ,trong thủ có công. Một số thế đặc trưng được giảng dạy tại Trung quôc là Tai chưởng( Bàn tay đánh vào mang tai), Đáp thủ (câu tay địch),, Chư đề thủ (dùng cổ tay đánh bật ngang)…

2. Vịnh Xuân Quyền tại Hồng Kông

Vịnh Xuân Quyền được truyền vào Hồng Kông do công lao mở màn của Đại Sư phụ Diệp Vấn (1898-1972). Môn võ này không ngừng phát triển và đã trở thành một hiệu ứng gọi là trường phái Vịnh xuân Hồng Kông. Cùng với dòng đang lưu hành tại việt nam, dòng Vịnh xuân Hồng Kông được giới Vịnh Xuân trên toàn thế giới công nhận là hai dòng tinh túy và thuần chất nhất.

Đại sư phụ Diệp Vấn sinh ra trong một gia đình danh tiếng tại Phật Sơn- Trung Quốc. Năm 13 tuổi Diệp Vấn được thu nhận làm đồ đệ thứ 16 của Trân Hoa Thuận (biệt danh Trảo Tiền Hoa giống như kinh doanh ngoại tệ hiện nay-truyền nhân của Vịnh xuân Quyền Vương Lương Tán). Dạy được khoảng 03 năm, Trần Hoa Thuận mất, thọ trên 70 tuổi. Ngoài ra, Diệp Vấn còn được Lương Bính- trưởng nam của Lương Tán truyền dạy tuyệt học Vịnh Xuân và Diệp Vấn trở thành một bậc thầy nổi tiếng về Vịnh Xuân. Ngoài dạy võ ở Phật Sơn, làng võ còn biết đến mãi ngoài 50 tuổi tức khoản năm 1950 Diệp Vấn mở võ đường tại Hồng Kông thu hút rất đông học trò luyện tập. Một học trò nổi tiếng nhất của ông là ngôi sao điện ảnh Lý Tử Long (1940-1973). Hơn 03 năm dưới sự chỉ bảo tận tình của Sư phụ Diệp Vấn, Lý Tử Long trở nên tài giỏi hơn rất nhiều võ sư Vịnh Xuân khá và ngay bản thân Anh đã sáng lập ra một môn phái mới lấy tên là Triệt Quyền Đạo dựa trên nguyên tắc chính của Vịnh Xuân. Một để tử chân truyền khác của Diệp vấn là Tiến sỹ Lương Đĩnh. Ông là một trong những võ sư Vịnh Xuân có tiếng nhất hiện nay không những tại Hồng Kông, là người sáng lập ra Hội võ Thuật Vịnh Xuân Quốc tế, đóng góp  nhiều cho sự nghiệp khuyếch trương  Vịnh Xuân, có nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu về Vịnh Xuân, giành nhiều thời gian công sức cải tiến một phần Quyền sáo, thêm đòn đá thốc ngang trong bài Tầm Kiều, cái biên thêm 07 kỹ thuật cùi trỏ trong bài Tiêu chỉ….

Những điểm khác biệt trong chương trình tại Hồng Kông gồm:

- Mộc nhân; Gồm  108 động tác, sau đó Diệp Vấn tăng lên 116 động tác gồm 08 đọan, 08 thế đá.

- Ly thủ: Chú trọng chuyển biến giữa 02 thế Bàng thủ và tán thủ, dùng khuyên thủ để nhập nội. Câu cánh tay bằng phương pháp Truất thủ nhằm làm đối phương mất thăng bằng, tạo kẽ hở trong phòng thủ. Dùng Bàng thủ đỡ song quyền, Phục thủ đỡ đòn liên hoàn và cầm  nã.

- Ly cước: 06 thế cước trong đó có thế Thập tự thoái dùng chân sau đá, Tiệt tảo thoái đá chân sau hoặc chân trước đều dùng được.

KẾT LUẬN VÀ XU HƯỚNG CHUNG

• “Trông người lại ngẫm đến ta”, trọng trọng cuội nguồn Vịnh Xuân- Phật Sơn, Trung Quốc. Đáng khích lệ, học tập Vịnh xuân Hồng Kông về truyền dạy quảng bá ra nhiều nước trên thế giới. Thật tự hào về Vịnh Xuân Việt Nam. Chúng ta- những người quan tâm, luyện tập, nghiên cứu Vịnh Xuân cần phải có một thái độ đúng đắn hơn, tích cực hơn, đoàn kết hơn để Vịnh Xuân Việt Nam trở thành một ngôi sao lung linh trong muôn ngàn vì sao võ học.

• Bổn phận của chúng ta là tìm hiểu, phát huy, gạn lọc tinh hoa của tiền nhân đã lưu truyền trải qua nhiều thế hệ, phải tìm tòi học hỏi những cái hay, cái đẹp và cũng để trân trọng những chút đỉnh còn để lại đó, đều là linh hồn, trí não của người xưa, có lẽ nào khiến mai một không lưu truyền được???

Vịnh Xuân Quyền

Bạch Diện Cư Sĩ Cẩn Bút